Từ nhiều năm nay, người nông dân nước ta thường sử dụng cách tưới tràn (dùng máy bơm và ông dẫn tưới cho cây). Cách làm này không chỉ gây lãng phí nước và công lao động nhưng hiệu quả kinh tế đạt thấp. Trong điều kiện ngành nông nghiệp đang từng bước phát triển mạnh với các mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cùng với đó là nhu cầu sử dụng nước càng tăng mạnh, ngoài việc tận dụng nguồn nước mặt, nhiều hộ đã tăng cường đào, khoan giếng vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngầm vốn đang cạn kiệt. Tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào xong phải tăng sản lượng là một trong những bài toán cấp bách của ngành nông nghiệp hiện nay. Nhiều mô hình tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng như: phun mưa và đặc biệt, kỹ thuật tưới nhỏ giọt đã và đang được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm tiết kiệm nước, thời gian, công sức và tăng sản lượng, tăng thu nhập kinh tế cho các hộ gia đình.
Tưới nhỏ giọt tại Sơn La mang lại hiệu quả kinh tế cao
Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra đều đều từ công cụ hay thiết bị tạo giọt đặt tại một số điểm trên mặt đất gần gốc cây. thống tưới nhỏ giọt đơn giản bao gồm bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây tưới nhỏ giọt. Phần điều khiển tự động bao gồm van điện điều khiển khu vực tưới, bộ thiết bị lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ thiết bị châm phân tự động venturi, cung cấp phân bón khi tưới tiêu, cách này được gọi là tưới bón. Người nông dân có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ dùng thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát. Đặc biệt hơn, còn có thêm đầu cảm ứng cắm vào đất và lắp đặt chung với hệ thống tưới nhỏ giọt. Đầu này có thể cảm ứng được độ ẩm của đất và điều khiển quá trình tưới dựa trên nguyên tắc thông minh "đất khô thì tưới, đất ẩm thì ngưng".
Khi áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt, nước sẽ từ từ ngấm vào đất, cung cấp nước trực tiếp vào bộ rễ của cây và phân bố lượng nước đồng đều cho các điểm mà không làm bốc hơi, nén chặt và rửa trôi đất. Theo ước tính mô hình tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm từ 40 - 70% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống. Phương pháp tưới này cũng cho phép thực hiện ở rất nhiều địa hình do ít phụ thuộc vào các yếu tố địa hình, thành phần đất. Nó còn cho phép người nông dân có thể kết hợp với bón phân qua hệ thống, giúp người dân kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây sinh trưởng nhanh, tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, tưới nhỏ giọt còn cho phép giảm tới 90% số công lao động.
Với những ưu điểm vượt trội cũng như giải quyết được bài toán nan giải của nông nghiệp Việt Nam đó là tiết kiệm nước mà hiện nay ở Việt Nam có khoảng 100.000 ha cây trồng đang áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Kết quả bước đầu triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt Israel tại Sơn La
Từ năm 2015, tỉnh Sơn La bắt đầu tiển khai áp dụng thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt trên diện tích cây cà phê với tổng diện tích 31,3 ha tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố. Với 70% kinh phí lắp đặt đo nhà nước hỗ trợ, 30% do người dân đóng góp; hàng năm có tổ chức các đợt tập huấn tới các hộ thực hiện để nắm được tổng quan về việc vận hành, tưới có kỹ thuật mới; hình thức tổ chức thực hiện đa dạng nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình như áp dụng đối với hộ gia đình tại Xã Chiềng Ban, Mai Sơn; nhóm hộ, hợp tác xã đối với xã Chiềng Cọ, Thành phố và đối với doanh nghiệp đối với huyện Thuận Châu.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 3 mô hình, tưới cho cho 31,15 ha cà phê, chè và cam. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình, hợp tác xã ở một số huyện như Phù Yên, Sông Mã, Mộc Châu...biết đến mô hình cũng đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích tưới lên tới 64ha với đa dạng các loại cây trồng như xoài, cam, quýt ngọt, nhãn, rau xanh, cỏ nuôi bò....Theo đánh giá bước đầu việc sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel được đánh giá với khá nhiều ưu điểm như: giúp người nông dân chủ động được việc tưới nước, tưới phân tiết kiệm, có hiệu quả, giảm số công lao động; tiết kiệm nước được khoảng 70-80% so với tưới tràn; nước, phân bón được bổ sung đều nên cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn, chất lượng sản phẩm và năng suất tăng so với những diện tích không áp dụng công nghệ này. Đối với cây cà phê, quả to đều, năng suất quả tươi tăng khoảng 20-25%; đối với cây chè cánh đều, mẫu đẹp, không gây nấm bệnh như tưới phun, giảm ngày công lao động, năng suất chè búp tươi tăng khoảng 25% so với mô hình không có tưới, đạt khoảng 18-20 tấn/ha. Đồng thời, sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt hơn, được thị trường ưa chuộng, có giá thành thu mua cao từ đó đời sống kinh tế của người nông dân cũng vì thế được nâng lên.
Ông Đặng Đình Thị, một hộ nông dân đang áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt tại Bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn cho biết “gia đình tôi có 1,3 ha diện tích cây cà phê đang áp dụng công nghệ tưới ẩm, so với diện tích còn lại áp dụng tưới thông thường thì năng suất của diện tích áp dụng tưới nhỏ giọt tăng 5 tấn/ha, tỷ lệ cà phê nhân đạt chất lượng đạt khoảng 86%. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn áp dụng tưới phun cho 0,5 ha đất trồng cỏ để nuôi bò sinh sản, mỗi năm cũng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng...”. Ông Thu - Giám đốc công ty TNHH Thu Đan, doanh nghiệp đang áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho 7,5 ha chè tại huyện Thuận Châu cũng cho biết: “so với diện tích không sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, diện tích chè cho tăng thu nhập hơn 50 triệu đồng/ha, trừ chi phí mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 25 triệu/ha, trong khi đó hệ thống vận hành khá dễ dàng lại không phải thuê nhiều nhân công, búp chè không bị ướt như tưới bằng vòi truyền thống nên hạn chế được sâu bệnh, chất lượng chè xuất khẩu sang Đài Loan luôn được đánh giá cao”.
Cần có giải pháp để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả
Việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tại Sơn La có nhiều ưu điểm xong vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó phải kể đến yếu tố thời tiết diễn biến phúc tạp làm ảnh hưởng đến diện tích cà phê của các hộ đang thực hiện mô hình bị chết, phải chuyển đổi sang cây trồng khác, những diện tích bị ảnh hưởng ít hơn không thu hoạch được quả hoặc sản lượng thấp, trong khi chi phí đầu tư lắp đặt lớn (khoảng 80-90 triệu/ha), một số hộ kinh tế còn khó khăn. Trong quá trình vận hành bị hư hỏng đường ống cho chuột cắn, bị đứt khi làm cỏ. Mặt khác, trên thị trường của tỉnh chưa có đại lý kinh doanh, bán các loại phân hòa tan chuyên dùng nên người nông dân phải mua phân bón từ nơi khác, qua nhiều khâu trung gian và chi phí vận chuyển cao. Mối liên hệ 4 nhà trong quá trình sản xuất và tiêu thu chưa được tạo lập, người dân vẫn chủ động trong các khâu sản xuất, tiêu thu sản phẩm dẫn đến bị ép giá. Mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất, doanh nghiệp đỡ đầu chưa hình thành nên còn khó khăn trong triển khai đồng bộ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và giá thành sản phẩm.
Nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế qua 02 năm triển khai thực hiện và tìm ra những giải pháp để việc triển khai mô hình được rộng khắp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả áp dụng triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả và chủ trương, chính sách của tỉnh về việc khuyến khích sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hoà tan của Israel; khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn nhân dân về các loại cây che tán (trồng xen) với diện tích cà phê để đa dạng hóa các loại cây trồng và tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả canh tác/1ha đất; trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng hỗ trợ lãi suất thông qua hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp; bổ sung đối tượng hỗ trợ: các HTX trồng rau, chanh leo, cây chè chất lượng cao; sửa đổi quy định về quy mô liên kết sản xuất đối với doanh nghiệp, Hợp tác xã; rà soát đánh giá và đề xuất hỗ trợ phát triển mạng lưới cung ứng phân bón hòa tan trên địa bàn tỉnh để đồng bộ với công nghệ tưới Israel.
Có thể nói, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La và sự đồng thuận, nhất trí cao của người nông dân, trong thời gian tới mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel sẽ được triển khai rộng khắp, có hiệu quả và đồng bộ hơn, sớm định hình vị trí của tỉnh Sơn La trên bản đồ nông nghiệp Việt Nam với các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch và chất lượng cao.
(Nguồn: Báo daibieudancusonla.gov)
Bạn đã gửi bình luận thành công. Xin cảm ơn!